Tìm hiểu công việc của nhà biên kịch phim điện ảnh

Ở Việt Nam, công việc sản xuất phim được chia theo hai nhóm: những xưởng phim của nhà nước và những công ty tư nhân. Bạn có thể cân nhắc về việc

Với nhiều ngành nghề khác, người ta có thể hình dung ra một ngày làm việc cụ thể như thế nào, nhưng với nghề biên kịch, điều đó thật khó. Thay vào đó, ta hãy thử coi việc viết nên một kịch bản trọn vẹn là một buổi nấu ăn cho nhiều người. Tất nhiên, “buổi nấu nướng” này có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, một năm hay thậm chí rất nhiều năm.

1
Đi chợ: Bắt đầu tìm kiếm ý tưởng

Mọi công việc sáng tạo đều phải bắt đầu từ một ý tưởng, cho dù sau đó kịch bản có thể khác xa ý tưởng ban đầu của bạn. Nhưng khi chúng ta trôi giữa “biển” thông tin và chất liệu, ý tưởng chính là chiếc cọc bạn cần tìm thấy và níu giữ.

Vậy ý tưởng có thể tìm thấy ở đâu?

Nhà biên kịch nổi tiếng người Pháp Eric Zonca chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Tôi xuất phát từ phôi thai của câu chuyện, đó có thể là những tình huống hoặc thậm chí chỉ đơn giản là một khuôn mặt hoặc một hình ảnh mà tôi có trong đầu. Sau đó, tôi lấy cảm hứng từ những cuộc gặp gỡ, những chuyện có thực trong đời mình phát triển dần dần câu chuyện để rồi sau đó, nó khác với ý tưởng ban đầu của tôi”.

Ý tưởng là tất cả những hình ảnh, âm thanh, chi tiết bạn phát hiện, tưởng tượng ra và tạo ấn tượng với bạn. Ý tưởng tới với một nhà biên kịch nhiều khi rất đột ngột, như một tia sáng vụt đến trong giây lát rồi có thể biến mất. Điều quan trọng là bạn phải biết cách nắm bắt nó thật nhanh, từ đó hình thành nên một câu chuyện.

Một điều mà các nhà biên kịch luôn ghi nhớ là ý tưởng luôn núp sẵn đâu đó chờ bạn. Khi bạn bước vào “chợ” trong một tâm trạng chẳng có gì đặc biệt, không bận tâm đến bất kì điều gì cụ thể, nhưng bất chợt, có một hình ảnh nào đó đập vào mắt bạn. Đừng dễ dàng bỏ qua, hãy nhặt tất cả vào giỏ đựng. Dù nó không thể trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh nhưng vẫn có thể là một phần trong những tác phẩm khác của bạn.

Không phải lúc nào nhà biên kịch cũng tự sáng tác hoàn toàn kịch bản. Không ít các kịch bản phim dựa trên một tác phẩm văn học có sẵn (lúc này thường các nhà biên kịch được đặt hàng). Lúc này, ý tưởng của bạn sẽ bắt nguồn từ một tác phẩm văn học mà bạn đọc được hoặc được giao viết kịch bản, nhưng chất liệu đời sống vẫn rất cần thiết.

2
Chuẩn bị: Chọn lọc và phát triển ý tưởng

Hãy tưởng tượng tất cả ý tưởng đang bày sẵn trước mắt bạn như nguyên liệu cho bữa ăn trưa. Chẳng ai ăn ngay những nguyên liệu đó! Chúng ta sẽ cắt, thái, trộn ướp, chế biến, xào nấu… và căn bếp rộn rã những ảm thanh tươi vui để chuẩn bị nên một bữa ăn.

Sau một buổi sáng tốt lành, nhà biên kịch có rất nhiều ý tưởng, nhưng không phải tất cả những ý tưởng đó đều có thể trở thành tác phẩm. Chúng ta phải chọn lựa giữa các ý tưởng, phải nhặt từ cuốn sổ tay ghi chép của bạn những gì tạo ấn tượng mạnh nhất, khơi dậy ở bạn cảm hứng dào dạt nhất để có động lực viết thành một kịch bản. Sự chọn lựa ấy không hề dễ dàng bởi bạn sẽ phải cân nhắc, thậm chí nuối tiếc loại bỏ nhiều điều lý thú đã ghi lại được. Tất nhiên, các nhà biên kịch tài ba luôn biết rằng những thứ tạm thời không dùng ấy có thể để lại sau này, nấu thành một món khác.

Giờ là lúc bắt đầu nghĩ tới cốt truyện, bối cảnh, tình huống, nhân vật, sự kiện, những dữ kiện bổ sung… Nhà biên kịch không quá vội vàng nghĩ tới món ngon của mình sẽ được trình bày gọn gàng trên bàn ăn trước khi hoàn thành quá trình chế biến ra nó. Anh ta lao động trên trang viết của mình với niềm vui đang chờ đón phía trước: nó sẽ trở thành một bộ phim. Nhưng điều này không đồng nghĩa với sự nôn nóng, bởi lẽ nếu vội nghĩ tới kết quả tốt đẹp, nhà biên kịch sẽ dễ rơi vào sự bế tắc khi ý tưởng của mình không thông suốt:

Nhà biên kịch Pháp Jean-Marc Rudnicki đưa ra bí quyết như sau:

* Ghi ra giấy tất cả những gì nảy sinh trong đầu, sắp xếp các ý tưởng đó lại, kể cả khi đó là ý tưởng kì cục nhất.

* Nói to và diễn hành động của nhân vật. Như vậy, bạn sẽ thấy những hành động bạn định gán cho nhân vật có hợp lý hay không.

* Ghi âm vào máy (nếu bạn thấy không ngại) và tuần sau đó hãy nghe lại những ý tưởng của chính mình.

Vậy là đã hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng cho việc nấu nướng. Bạn sẽ thoải mái thêm bớt rất nhiều những điều bạn cảm thấy cần thiết. Một công trình khi đã được đưa vào tiến trình xây dựng sẽ rất nhanh, và bạn sẽ được chính kịch bản cuốn đi, với tình yêu và niềm say mê.

3
Lên thực đơn: Xác định rõ đề tài – chủ đề cho bộ phim

Lấy giấy bút và thảo ra những món bạn muốn mọi người cùng ăn, đó chính là việc xác định chủ đề. Dù bạn có làm một bộ phim theo thể loại nào thì bạn vẫn phải xác định rõ ràng: Bạn định nói cái gì?

Không đầu bếp tài ba nào lại bày tất cả nguyên liệu đã qua chế biến lên bàn và người ăn chẳng hiểu đó là món gì. Chính vì vậy, dù bạn là nhà biên kịch cho phim điện ảnh, cho phim truyền hình, phim tài liệu hay phim quảng cáo thì bạn vẫn phải biết rõ: chủ đề của tác phẩm là gì? Có thể bạn nghĩ ra rất nhiều tình huống hay, bạn nhìn thấy rất nhiều lát cắt hiện thực hấp dẫn, có thể bạn muốn đưa những chi tiết hấp dẫn vào trong kịch bản của mình, cũng như bạn có rất nhiều nguyên liệu tươi ngon, bạn muốn nấu tất cả chúng lên. Nhưng, một bữa ăn ngon, là khi người nấu biết kết hợp tất cả một cách hài hòa, vừa đủ.

Người làm biên kịch luôn nhớ rằng, một bộ phim có giới hạn rõ ràng về vật chất, về thời gian và khi bổ sung thêm một chi tiết, nhiều khi người ta phải tốn kém quá nhiều thứ. Đó là chưa kể, bạn sẽ khiến khán giả bội thực nếu bắt họ ăn quá nhiều.

Nhà sản xuất phim nổi tiếng Bill Mechanic đã kể lại với đồng nghiệp người Việt Nam câu chuyện về bộ phim Titanic. Trong kịch bản, để tuân theo thực tế, có cảnh tàu Titanic dừng lại đón khách lần thứ hai. Nhưng những người làm phim đã quyết định bỏ cảnh quay đó đi, vì nó chẳng phục vụ cho câu chuyện trong phim, không tô đậm thêm gì cho chủ đề, mà lại tiêu tốn tới một triệu USD.

Vì vậy, nhà biên kịch phải tự xác định thật rõ ràng: mình viết kịch bản này để nói lên điều gì, những món chính và món phụ là gì?

Việc xác định này nhiều khi bao hàm luôn việc đặt một cái tên cho kịch bản. Sau đó, bạn sẽ thấy được rằng bạn cần phải cắt đi những yếu tố không cần thiết, đồng thời lại phải bổ sung những yếu tố khác như thế nào.

4
Nấu món ăn: Tạo nên những ấn tượng mới

Những bữa trưa đều đều y hệt sẽ khiến cho mọi người chán ngán. Cũng như vậy, mọi tác phẩm nghệ thuật đều cần phải có cái mới. Đặc biệt khi hàng ngày người ta được xem mấy bộ phim, cả chục chương trình truyền hình, bạn càng phải biến tác phẩm trở thành đặc biệt. Cho khán giả ăn thêm một chút cay, một chút ngọt, một chút chua… và khiến họ kinh ngạc chính là điều mà các nhà biên kịch luôn hứng thú.

Hãy cùng nghĩ xem ai sẽ muốn tới dùng bữa của bạn:

* Nếu bạn là nhà biên kịch điện ảnh, bạn cần khán giả bỏ tiền ra mua vé tới rạp xem phim của bạn.

* Nếu bạn là nhà biên kịch cho phim truyền hình, bạn cần khiến cho khán giả phải tạm gác mọi công việc để ngồi chờ đợi được xem bộ phim của bạn trước màn ảnh nhỏ.

* Nếu bạn là nhà biên kịch cho phim tài liệu, bạn phải làm sao để vấn đề bạn nêu ra khiến họ quan tâm, say mê tìm hiểu, cùng đau đáu nghĩ ra hướng giải quyết những bất hợp lý còn tồn tại…

* Nếu bạn là nhà biên kịch cho phim quảng cáo, yếu tố gây ấn tượng, tác động mạnh càng quan trọng. Phải làm sao để người ta nhớ tới sản phẩm được giới thiệu khi ngày nào họ cũng ngập trong vô số phim quảng cáo của hàng trăm loại mặt hàng.

Ai cũng có thể nấu được những bữa ăn, nhưng không phải ai cũng khiến người khác đến ăn món của mình. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một bộ phim về cùng một đề tài như nhiều phim khác, thậm chí cùng một số diễn viên nhưng người xem lại nô nức xếp hàng đông hơn hẳn? Đó là vì những người làm phim đã mang tới điều đặc biệt cho khán giả. Và như chúng ta đã biết, để làm được điều đó, kịch bản phim chính là khởi đầu quan trọng nhất.

Sự kiện 11/9 xảy ra tại nước Mỹ đã làm rung chuyển cả thế giới. Hàng loạt bài báo, phóng sự, phim tài liệu bàn luận về sự kiện này nhiều tới mức người ta tưởng chẳng còn gì để có thể nói về nó nữa. Nhưng sau đó, đạo diễn Michael Moore và phim tài liệu Fahrenheit 9/11 (tạm dịch là Thang đo nhiệt 11/9) đã khiến cho hàng triệu người trên khắp thế giới đổ xô đi mua đĩa DVD của bộ phim này. Fahrenheit 9/11 cũng đã giành được giải Oscar cho phim tài liệu. Tại sao vậy?

Một trong những nguyên nhân quan trọng là góc nhìn. Michael Moore đã xây dựng một kịch bản mà sự kiện 11/9 chỉ là một cái cớ, một cách dẫn chuyện để người ta thấy được bản chất những vấn đề của chính phủ Hoa Kỳ. Ông đã gửi tới khán giả của mình không ít vị đắng và cả vị cay khiến họ phải rùng mình, trăn trở…

5
Trình bày: Hoàn chỉnh tác phẩm

Món ăn của bạn đã xong, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bạn còn cần phải trình bày nó vào bát, vào đã để tạo nên ấn tượng về món ăn.

Điều cần tránh nhất với một nhà biên kịch là đưa ra một nồi thức ăn và nói với đạo diễn rằng: “Tự kiếm cái để xúc ra nhé!”. Bạn chỉ hoàn thành công việc sáng tác của mình khi đã viết ra trọn vẹn câu chuyện, trọn vẹn những gì bạn muốn nói, muốn thể hiện. Bạn phải hoàn thành tất cả trước khi đóng nó thành một tập, thở phào nhẹ nhõm và hồi hộp hy vọng bộ phim sẽ ra mắt. Điều này cũng như bạn sắp mâm bát, và đặt thức ăn của mình vào đĩa theo lối trình bày hấp dẫn nhất vậy.

Một kịch bản hoàn chỉnh, nghĩa là nó phải có mở đầu, có kết thúc, có quá trình diễn tiến, có một mô hình mà bạn có thể vạch rõ ra được

Nhà biên kịch nổi tiếng J.J Abrams nói rằng: “Lời khen ngợi tốt nhất mà tôi nhận được là: “Khi tôi đọc kịch bản của anh, tôi có thể “nhìn” thấy nó”.

Và người ta chỉ có thể “nhìn” thấy kịch bản của bạn khi mà bạn đã biến nó thành một thế giới nguyên vẹn, một thế giới để tất cả những người dựng phim từ kịch bản ấy đều có thể yên tâm rằng họ đang đi đúng hướng. Còn một điều bạn cần phải làm, mà trong thuật ngữ của giới biên kịch là “pitching”. Đó là công việc tóm tắt, gói gọn tất cả kịch bản của bạn chỉ trong một hai câu ngắn.

Hãy cố để đạt được thành quả tốt nhất trước khi bạn nói rằng: “Tôi đã viết xong!”. Nếu bạn cảm thấy kịch bản còn có thể tốt hơn nữa, đó là lúc bạn cần ngồi lại bàn viết, tháo tung tất cả để tạo nên một công trình mà bạn ưng ý. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt trong nhiều trường hợp khi bạn được đặt hàng viết kịch bản và bạn bị áp lực về ngày giao nộp.

6
Đặt món ăn lên bàn: Giới thiệu kịch bản của mình

Bất cứ nhà biên kịch nào cũng có khởi đầu từ một người vô danh. Không ai biết đến bạn, và càng không biết đến kịch bản của bạn. Lúc này, bạn không còn có thể coi mình là một nghệ sĩ cá nhân nữa, bạn phải thực sự bước vào một cuộc đua để làm sao kịch bản của mình được biết đến, được lựa chọn và trở thành một bộ phim như bạn đã hình dung.

Hiện nay ở nước ta, số lượng người viết kịch bản chưa hẳn đông đảo. Nhưng bữa tiệc của chúng ta đang bắt đầu khởi sắc. Điện ảnh, truyền hình là một trong những lĩnh vực hiện thu hút rất nhiều sự quan tâm. Muốn kịch bản của mình trở thành bộ phim, bạn sẽ phải làm gì?

Đầu tiên là tìm hiểu, lựa chọn những nhà sản xuất phim, đạo diễn phù hợp với kịch bản của bạn, có khả năng biến kịch bản ấy trở thành một bộ phim hay. Bước tiếp theo là tìm cách tiếp cận họ, gửi và giới thiệu kịch bản của bạn, chứng minh rằng kịch bản ấy là sự lựa chọn đúng đắn không thể bỏ qua. Vấn đề then chốt nằm ở chính chất lượng kịch bản của bạn, nhưng phương pháp tìm và tiếp cận các nhà sản xuất, nhà làm phim phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng.

Ở Việt Nam, công việc sản xuất phim được chia theo hai nhóm: những xưởng phim của nhà nước và những công ty tư nhân. Bạn có thể cân nhắc về việc bạn sẽ gửi kịch bản tới đâu, nhưng đừng ngần ngại. Có thể kịch bản của bạn sẽ bị từ chối, nhất là khi bạn mới vào nghề, bạn vẫn nên thử sức mình, đo xem khả năng của bạn thực chất tới đâu và bạn cần cố gắng thêm những điểm gì.

Tuy nhiên, trước khi bạn làm điều đó, bạn có thể tham khảo lời khuyên của nhà biên kịch Paul Haggis – người đã thành công với “Va chạm” – bộ phim đoạt giải Oscar cho phim hay nhất năm 2006. Ông đã kể lại về việc làm sao để có thể thành công ở Hollywood từ khởi đầu là một người vô danh:

“Nếu bạn viết ra một kịch bản tuyệt vời và đặt nó vào ngăn kéo trong ngôi nhà Muskoka Lake, vẫn có một ai đó tìm ra nó. Nếu bạn viết ra một kịch bản tệ hại và gửi đi cả trăm nghìn bản, nó vẫn chẳng thể được bán. Bí quyết rất đơn giản: hãy viết một kịch bản tuyệt vời. Tôi không hề có ý cợt nhả ở đây. Đó là sự thật!”.

Bạn hãy chuẩn bị thật kỹ càng cho việc ra mắt tại bữa tiệc; nhưng trước hết, bạn phải nấu một món ngon. Nếu nó thất bại, hãy làm lần thứ hai, thứ ba… Nếu bạn thực sự có khả năng, kịch bản của bạn thực sự có giá trị, thì sẽ tới lúc kịch bản của bạn trở thành bộ phim được n

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *