Những phẩm chất để thành công trong nghề biên kịch

Tất nhiên, sự tự tin của nhà biên kịch không bao giờ đồng nghĩa với sự bảo thủ , không biết lắng nghe. Hãy tự tin lắng nghe và học hỏi.

1
Năng lực sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú

Những cánh cửa nghề nghiệp luôn rộng mở, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân chúng ta, phụ thuộc vào năng lực, sở trường, sở thích, cá tính… sẽ phù hợp với một số nghề nghiệp thất định. Tức là, làm nghề nghiệp nào cũng cần đến năng khiếu.

Điều này đặc biệt quan trọng trong một nghề nghiệp thuộc nhóm ngành nghệ thuật như biên kịch. Trước hết, để bước vào nghề, bạn cần trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và năng lực sáng tạo dồi dào. Trong cuộc sống có rất nhiều sự kiện, rất nhiều câu chuyện để bạn có thể mô phỏng lại trong kịch bản của mình. Nhưng một khi bắt tay vào viết, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống mênh mông đó không dễ dàng trở thành một câu chuyện như bạn mong muốn.

Rất nhiều khán giả hiện nay đang phàn nàn rằng những bộ phim họ xem quá nhàm chán, xem đoạn đầu đã biết ngay đoạn cuối. Đó là bởi những người viết kịch bản đã không thể sáng tạo nên điều gì mới mẻ cho kịch bản của mình. Bạn là người viết kịch bản, nghĩa là bạn phải tạo nên được một cái gì đó mà chưa từng có ai tạo ra. Và đó là một khả năng mà người ta vẫn phải gọi là “trời phú”, bởi nó nằm ngoài quyền quyết định của bạn.

Hãy thử sức mình, nhưng luôn luôn phải phản tỉnh mình. Tại sao bạn không thể viết được như những người khác, tại sao các nhà biên kịch có thể tạo nên một tính cách, một tình huống dễ dàng tới vậy mà bạn lại không? Bạn đã không làm đúng cách, hay bạn không có khả năng? Hãy tìm hiểu chính mình trước khi bắt đầu.

2
Sự nhạy cảm

Là một người hoạt động về nghệ thuật, sự nhạy cảm là điều tất yếu bạn phải có. Đó là khả năng cảm thụ, lĩnh hội cuộc sống và nghệ thuật.

Bạn sẽ làm được gì nếu bạn không thể rung động trước một hình ảnh đẹp? Hoặc bạn không hề biết xúc động trước một câu chuyện đầy ý nghĩa, không thể nhận ra cái hay trong một cuốn sách?

Sự nhạy cảm cũng là một tố chất tự nhiên trong bạn, nhưng nhiều khi, đó là cách sống của bạn, là cách bạn nhìn nhận cuộc đời. Nếu bạn dành thời gian để lắng nghe những lời tâm sự, để quan sát mọi điều, để suy ngẫm về cuộc sống, bạn sẽ thấy những điều bé nhỏ nhất trong thế giới cũng đều hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Sự nhạy cảm bắt đầu từ sự quan tâm của bạn tới tất cả mọi điều. Nếu bạn là người bàng quan, chỉ quan tâm tới sự thành công cá nhân, trí thông minh của bản thân thì chắc chắn bạn đã hoàn toàn hiểu sai về nghề biên kịch. Những tác phẩm của bạn là để phục vụ cho mọi người, và khán giả sẽ dễ dàng nhận ra sự lạnh lùng của bạn khi xem phim. Muốn người khác đón nhận bạn và tác phẩm của bạn, trước hết bạn phải tìm ra được con đường đến với họ bằng chính trái tim mình.

3
“Phông” văn hóa rộng, ham tìm tòi, học hỏi

Trong mọi ngành nghề, “phông” văn hóa không bao giờ là thừa. Trong nghề biên kịch, “phông” văn hóa là một trong những chìa khóa vàng dẫn đến thành công. Không có nó, bạn sẽ không thể mở cánh cửa lớn của điện ảnh đích thực. Bởi vì, một bộ phim hay bản thân nó luôn chứa đựng một tầm cao văn hóa.

“Chìa khóa” này không chỉ cho bạn sự vững vàng khi triển khai ý tưởng mà còn giúp bạn tìm kiếm những đề tài mới để không bao giờ lặp lại mình. Sự hiểu biết bắt đầu từ niềm đam mê của bạn dành cho công việc, động lực từ bên trong và cả bên ngoài buộc bạn không ngừng học tập, không ngừng phát triển mình.

Không ai sinh ra đã hiểu biết mọi thứ. Tri thức là một quá trình, là kết quả của sự phấn đấu và học hỏi. Trường lớp có số năm quy định nhưng việc học thì không có điểm dừng. Nhà biên kịch luôn phải “học” bằng tất cả tâm hồn và trí óc của mình, theo kịp dòng chảy của cuộc sống, của thời đại để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị bền lâu.

Sự hiểu biết không chỉ là những kiến thức sách vở, không chỉ là những điều bạn có thể thu nhận qua những phương tiện thông tin đại chúng mà còn là vốn sống thực tế. Mỗi nơi bạn đi qua, mỗi điều “nho nhỏ” bạn khám phá được đều có thể trở thành một phần kiến thức của bạn. Kiến thức của bạn là một chiếc túi kì diệu, bạn có thể bỏ mọi điều nào đó mà không bao giờ sợ đầy, cũng không bao giờ sợ nặng.

Vậy làm thế nào để có được một vốn hiểu biết sâu rộng? Hãy đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều, quan sát – lắng nghe nhiều và giữ lại những điều đó cho mình.

4
Sự kiên trì

Chắc hẳn bạn đã nghe không biết bao nhiêu lần câu thành ngữ “Vạn sự khởi đầu nan”. Bước vào nghề biên kịch tức là bạn chấp nhận điểm khởi đầu gian nan hơn nhiều nghề khác.

Tuổi trẻ đem lại cho bạn lợi thế về sự mới mẻ, trẻ trung, đám nghĩ dám làm. Nhưng tuổi trẻ lại thường ít tính nhẫn nại và khó rút ra những bài học từ thất bại. Nếu bạn nôn nóng, vội vàng thì tác phẩm của bạn sẽ không tránh khỏi những sai lầm, những điều khiến cho khán giả phải khó chịu và thất vọng.

Ngay cả khi bạn có tài năng, có sự nhạy cảm, bạn vẫn cần phải giữ sự kiên trì trong cách làm việc của mình. Sự nhẫn nại không làm mất đi cảm hứng của bạn mà chỉ giúp mọi điều trọn vẹn hơn. Người xưa đã có câu: Thiên tài gồm 99% là mồ hôi và nước mắt – điều đó gắn liền với sự nhẫn nại và kiên trì trong công việc.

Muốn có được phẩm chất này, trước hết bạn phải có lòng đam mê thực sự với nghề biên kịch. Bạn nhìn thấy được biên kịch là một công việc thực sự vất vả chứ không chỉ là việc chỉ ngồi “bịa chuyện” như nhiều người lầm tưởng. Nhà văn người Pháp Gustave Flaubert đã nói rằng: “Cảm hứng là khi bạn ngồi vào làm việc đúng giờ”. Kịch bản là kết quả của ý thức làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Một khi bạn đã tạo được ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm, có mục đích cho nó và luôn cố gắng vươn tới sự hoàn hảo, thì sự kiên trì là điều không thể thiếu.

5
Sự tự tin

Bạn cần có sự tự tin ở mọi nơi bạn xuất hiện, đó là yếu tố để thành công trong công việc ở thời đại ngày nay. Bạn cần phải tự tin để bắt đầu cho công việc sáng tạo, tự tin để giữ được niềm tin trong suốt quá trình bạn làm việc. Bạn cũng cần tự tin để có thể gửi đi những kịch bản của mình, giới thiệu và bảo vệ kịch bản trước con mắt khó tính của các nhà làm phim, các đạo diễn. Chỉ khi chính bản thân bạn tin tưởng chắc chắn vào sự xuất sắc của kịch bản bạn viết ra, bạn mới có thể khiến người khác cũng tin như vậy.

Trong quá trình làm phim, nhiều khi bạn cũng cần tự tin và dũng khí để bảo vệ ý kiến của mình. Và khi kịch bản bị từ chối hay dựng thành phim rồi mà không được khán giả đón nhận, sự tự tin vào bản thân, vào niềm đam mê của bạn với nghề nghiệp giúp bạn trụ vững với nghề.

Tự tin cũng đi kèm với sự dũng cảm và dám chấp nhận thử thách. Nếu bạn quá rụt rè, từng cơ hội sẽ đi qua bạn. Bạn có thể gặp may mắn, nhưng chính sự tự tin và lòng quả cảm mới khiến bạn đủ mạnh mẽ tiến bước trong nghề nghiệp đầy phức tạp này. Nhà biên kịch là người dám nhìn thẳng vào cuộc sống, nhìn sâu vào cuộc sống để diễn đạt ý nghĩa của nó qua những hình tượng.

Tất nhiên, sự tự tin của nhà biên kịch không bao giờ đồng nghĩa với sự bảo thủ , không biết lắng nghe. Hãy tự tin lắng nghe và học hỏi.

6
Những điều sẽ cản trở bạn trong nghề biên kịch

Nếu những phẩm chất trên là những điều bạn nên tự rèn giũa, phát triển thì hãy tránh những điều dưới đây:

Sự vô tâm: Bạn sẽ không thể viết một kịch bản ra hồn nếu bạn không hề quan tâm tới cuộc sống. Nếu tất cả những gì bạn quan tâm chỉ là niềm vui nhất thời của bạn, những thứ mang lại cho bạn niềm vui và sự đầy đủ về mặt vật chất thì bạn sẽ chẳng thể nào tạo nên một tác phẩm khiến cho người khác phải bận lòng, rung động. Ngay cả khi bạn viết kịch bản cho một bộ phim quảng cáo cực ngắn, nếu bạn vô tâm hời hợt, người xem sẽ quay đi. Khi bạn vô tâm, tác phẩm của bạn sẽ nông cạn và vô ích. Và bạn thất bại, ngay từ khi bắt đầu.

Hiếu thắng và nóng vội: Bước vào nghề biên kịch là bạn bước vào một cuộc đua. Nhưng đó không phải cuộc đua của những người hiếu thắng, chỉ lấy kết quả bề nổi làm mục đích. Sáng tác kịch bản là một lao động nghệ thuật. Nó không cho phép chủ thể sáng tạo là một người nóng vội, chỉ muốn vượt lên trên người khác. Bạn đang viết ra một thông điệp nghệ thuật và bạn phải trân trọng những gì bạn viết, phải có sự kiên trì và trau chuốt. Bạn cần có một cái tâm, chứ không phải sự hiếu thắng của tính ích kỷ.

Tự ti và lười biếng: Bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bạn bắt đầu cho một cuốn sách. Nhưng bạn không thể để cho lòng tự ti thủ tiêu mất niềm đam mê của bạn. Nó khiến bạn dễ dàng nhụt chí, làm nảy sinh trong bạn sự ì trệ. Và bạn sẽ chẳng đi tới đâu được với một trí não co rúm, ù lì trước những yêu cầu khắt khe nghề biên kịch đặt ra. Đây cũng là công việc bắt bạn phải lao động miệt mài, và lười biếng sẽ là kẻ thù của mọi thành công. Nếu bạn không có lòng tự tin, nếu bạn mang sẵn trong mình sự lười nhác, thì tốt nhất bạn đừng nên mang tham vọng trở thành một nhà biên kịch. Bởi biên kịch là một công việc đầy gian nan và vất vả, nhiều lúc vô cùng khắc nghiệt và nó không có chỗ cho người tự ti, lười biếng.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *